Theo dự báo của Bộ Công thương, thời gian tới có khoảng 50% các vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) diễn ra trên môi trường thương mại điện tử (TMĐT). Để tìm giải pháp tối ưu cho các doanh nghiệp (DN), ngày 9/12, Cục SHTT - VPĐD tại TP Hồ Chí Minh, Hội sáng chế Việt Nam, công ty Vina CHG và Cổng truyền thông chống hàng giả Việt Nam (CHG.VN) tổ chức hội thảo “Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác phòng, chống hàng giả”.
Nỗi lo hàng giả dịp cuối năm
Trong thời gian qua, sự phát triển của khoa học công nghệ, cùng ảnh hưởng của đại dịch COVID -19 đã thúc đẩy dịch chuyển kinh doanh và nhiều hoạt động xã hội từ mô hình truyền thống sang môi trường số hóa, đồng thời khiến cho xu hướng chuyển đổi số ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số cũng đem đến nhiều thách thức cho DN, tổ chức xã hội, nhất là trong công tác bảo vệ thương hiệu, chống hàng giả, hàng nhái, chống xâm phạm quyền SHTT trên nền tảng số.
Nhiều DN tham gia hội thảo “Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác phòng, chống hàng giả”.
Ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch Hội sáng chế Việt Nam cho biết, sau đại dịch COVID -19, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như DN phải tái cơ cấu và tạo ra môi trường kinh doanh khác với môi trường truyền thống vì hiện nay chúng ta vẫn còn sống chung với COVID. Theo chỉ đạo của Đảng và Chính Phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước hầu như 100% chuyển đổi số và các thủ tục hành chính đều làm trên online, DN cũng phải thay đổi phương thức kinh doanh bán hàng và sử dụng công nghệ số rất nhiều.
Ứng dụng chuyển đổi số phòng, chống hàng giả
Theo thông kê của Bộ Công thương, trong năm 2021 Việt Nam đạt 13,7 tỷ USD (tăng 16% so với năm 2020) trên môi trường kinh doanh sàn TMĐT và Việt Nam thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á. Dự báo năm 2022 sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Bên cạnh sự phát triển vượt bậc của TMĐT thì tình trạng làm hàng giả, hàng nhái và xâm phạm quyền SHTT trên Internet là vấn đề nhức nhối và rất khó thực thi. Ông Trần Giang Khuê – Trưởng VPĐD Cục SHTT tại TP Hồ Chí Minh khẳng định, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm SHTT bán ở khắp nơi, kể cả chợ Bến Thành, Trung tâm thương mại… Cứ ở đâu có hàng thương hiệu, có uy tín, có giá trị lớn là ở đó có hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền SHTT. Trong khi đó, công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền SHTT gặp rất nhiều cam go do website giả, trang TMĐT bán hàng giả, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo… bán hàng thật, hàng giả lẫn lộn với nhau. Thậm chí rất nhiều hàng có thương hiệu có uy tín được bày bán trong các cửa hàng cửa hiệu, trên Internet…
Hàng gian, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT chưa được kiểm soát đã gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, gây thất thu thuế Nhà nước, và đặc biệt ảnh hưởng đến các nhà đầu tư nước ngoài muốn hoặc đang đầu tư tại Việt Nam, ông Nguyễn Viết Hồng - Tổng Giám đốc công ty Vina CHG cho rằng, gần đây Chính phủ cũng có chỉ đạo quyết liệt việc kiểm soát trên nền tảng TMĐT. Vì vậy, cần có giải pháp đồng bộ để đây lùi nạn hàng giả, hàng nhái là hết sức cấp thiết. Theo ông Hồng, hiện nay tình trạng làm giả bao bì sản phẩm của các đối tượng rất tinh vi, nhưng để tìm ra người làm giả bao bì rất khó. Có nhiều vụ vi phạm khi đã tìm được người làm giả bao bì thì lại quá thời gian xử lý điều tra. Vì vậy, sắp tới Vina CHG ra mắt sản phẩm chống giả trên bao bì để giải quyết vấn đề này vừa giúp tiết kiệm chi phí cho DN.
Trong những năm gần đây, TMĐT ở Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh khoảng 30-35% mỗi năm. Tuy nhiên, hình thức kinh doanh này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT. Trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số đã thực hiện kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền SHTT.
Ông Lê Huy Anh - Trưởng phòng thực thi và giải quyết khiếu nại Cục SHTT – Bộ Khoa học & Công nghệ cho biết, những khó khăn khi thực thi quyền SHTT trong môi trường số đó là: Khó xác định nguồn gốc hàng hoá xâm phạm quyền; Phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt hàng trực tuyến, chủ yếu sử dụng dịch vụ vận chuyển để giao hàng; Các đối tượng che giấu thông tin cá nhân, địa chỉ liên lạc, mua bán, thanh toán, vận chuyển, gây khó khăn cho công tác điều tra… Ngoài ra, công tác giám sát việc tuân thủ các quy định về SHTT đối với các sàn TMĐT còn chưa thực sự hiệu quả, việc áp dụng biện pháp chặn đối với các trang web TMĐT có hành vi xâm phạm quyền SHTT còn chậm.
Ngọc Hân
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Ngọc Hân