Số liệu theo dõi tàu biển của Bloomberg cho thấy xuất khẩu LNG từ Nga tăng 1,1% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, lên 2,9 triệu tấn - mức cao nhất kể từ tháng 3. Con số này trái với mức giảm mạnh trong khí đốt xuất khẩu qua đường ống đến châu Âu, sau khi quan hệ hai bên căng thẳng vì xung đột Ukraine.
Dù phần lớn khí đốt vận chuyển bằng đường biển vẫn đang trên đường đi, dữ liệu cho thấy điểm đến hàng đầu là Pháp, Trung Quốc và Nhật Bản. Hiện tại chưa có lệnh cấm vận trực tiếp nào áp lên LNG của Nga. Tuy nhiên, xuất khẩu tăng cho thấy nhu cầu nhiên liệu này vẫn mạnh khi mùa đông đang đến gần. Thời tiết lạnh được dự báo khiến tiêu thụ tăng và nguồn cung LNG toàn cầu càng giảm.
Một số công ty và chính phủ đang ngừng mua thêm hoặc ngừng hẳn việc nhận khí đốt từ Nga. Anh không nhập khẩu LNG từ Nga sau khi chiến sự bắt đầu hồi tháng 2. Họ sẽ cấm hoàn toàn sản phẩm này từ tháng 1/2023.
Trong khi đó, theo giới buôn, Trung Quốc lại đang tăng mua LNG Nga, nhằm tận dụng lợi thế giá rẻ so với thị trường giao ngay.
Ngược với LNG, đầu tuần này, Nhật báo Kommersant (Nga) trích nguồn tin thân cận cho biết trong tháng 10, cả sản xuất và xuất khẩu dầu của Nga đều đi xuống và có thể còn giảm mạnh hơn do lệnh cấm của EU.
Theo đó, sản xuất dầu của nước này đạt 1,47 triệu tấn một ngày, tương đương 10,78 triệu thùng một ngày. Con số này giảm so với 10,8 triệu thùng trong tháng 9, theo số liệu cơ quan thống kê Nga Rosstat công bố tuần trước.
Tờ này cũng cho biết xuất khẩu dầu qua đường biển và đường ống của Nga giảm 2% so với tháng 9, xuống còn khoảng 640.000 tấn một ngày (4,7 triệu thùng một ngày). Một trong những lý do cho sự sụt giảm này là sản lượng khai thác ngoài khơi của dự án Sakhalin-1 đi xuống, do hãng dầu Mỹ ExxonMobil rút lui.
Hà Thu