Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội cho biết, ngành ngân hàng đang tổ chức triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025.
Trong đó, tập trung xây dựng, phê duyệt, triển khai các Đề án cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, đến năm 2025, xử lý cơ bản các ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém, đặc biệt không để phát sinh ngân hàng yếu kém mới.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Đồng thời lên Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu.
Trong đó, cơ quan quản lý đã đề ra mục tiêu: Tạo bước chuyển rõ rệt, thực chất trong cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu; phấn đấu đến năm 2025 giảm số lượng các TCTD, xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém, không để phát sinh những ngân hàng yếu kém mới, hệ thống các TCTD lành mạnh và phát triển bền vững.
Đồng thời, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; nâng cao năng lực tài chính của TCTD; ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các TCTD có liên quan.
Ngày 20/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tỷ giá trung tâm ở mức 23.682 đồng/USD, tăng 19 đồng so với phiên 19/10. Đây là phiên tăng thứ 4 liên tiếp của tỷ giá trung tâm trong tuần này, tương ứng tăng thêm 141 đồng so với cuối tuần trước.
Tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch NHNN hôm nay là 24.380 đồng đổi 1 USD (bán ra), còn giá mua vào tạm để trống (trước đó niêm yết 22.550 đồng/USD).
Tỷ giá USD/VND tại một số ngân hàng thương mại hôm nay có dấu hiệu chững lại sau mấy ngày tăng mạnh. Nhưng có ngân hàng vẫn tiếp tục tăng giá USD bán ra, tiến sát mốc 24.700 đồng/USD.
Cụ thể, Vietcombank mua vào - bán ra USD ở mức 24.320 - 24.630 VND/USD, giữ nguyên so với phiên giao dịch ngày 18/10.
Tại Vietinbank, tỷ giá USD/VND được giao dịch ở mức 24.240 đồng ở chiều mua vào và 24.540 đồng ở chiều bán ra, giảm 70 đồng ở chiều mua vào và giảm 50 đồng ở chiều bán ra so với hôm qua.
Trong khi đó, tại TPBank sáng 20/10 niêm yết giá mua - bán USD ở mức 24.165 - 24.675 đồng USD. Như vậy, giá USD bán ra tại TPBank đã tiến rất sát mốc 24.700 đồng/USD.
Tính từ đầu năm đến nay, giá USD tại các ngân hàng thương mại đã tăng 7%, áp sát giá trên thị trường "chợ đen" trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá.
Giá USD trên thị trường tự do ngày 20/10 đã vượt 25.000 đồng. Hiện USD "chợ đen" được giao dịch phổ biến ở mức 24.900 - 25.100 đồng (mua - bán), tăng 300 đồng ở chiều mua vào và và tăng 380 đồng ở chiều bán ra so với ngày 19/10.
Từ cuối tháng 9/2022, nhiều ngân hàng áp dụng mức lãi suất 7%/năm với các kỳ hạn tiền gửi trên 6 tháng. So với 2021, rất ít ngân hàng đưa ra mức lãi suất 7%/năm cho các khoản tiền gửi của khách hàng cá nhân và chủ yếu áp dụng với các kỳ hạn dài 12 tháng trở lên.
Hiện nay, nhiều nhà băng đã đẩy lãi suất tiền gửi trên 6 tháng lên tới 8 - 9%/năm. Thậm chí, một số ngân hàng còn đưa ra mức lãi suất tới hơn 9%/năm.
Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 0,3 - 0,5 điểm % trong những tháng cuối năm nay. Đà tăng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục duy trì sang năm 2023 với mức tăng thêm khoảng 0,5 điểm %.
Thông tin từ các ngân hàng cho thấy, lượng tiền gửi từ dân cư và tổ chức đang tăng nhanh trong những tuần đầu tháng 10/2022. Điều này đã nhanh chóng đáp ứng thanh khoản của các ngân hàng vốn đang căng thẳng.
Biểu hiện điều này cho thấy, nếu trong 2 tuần đầu tháng 10, thanh khoản hệ thống ngân hàng khá căng thẳng khiến lãi suất liên ngân hàng tăng cao, NHNN đã buộc phải bơm ròng dòng tiền để giảm nhiệt thanh khoản. Tuy nhiên, trong tuần tiếp theo, lãi suất ngân hàng đã nhanh chóng giảm nhiệt và NHNN đã quay lại trạng thái hút tiền về.
Trước đó, đến hết tháng 7, tổng số dư tiền gửi của dân cư tại các ngân hàng khoảng 5,629 triệu tỷ đồng, tăng 6,2% so với cuối năm 2021.
Như vậy, trong 7 tháng đầu năm 2022, người dân đã gửi thêm hơn 328.500 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng. Tương đương, mỗi ngày, người dân gửi gần 1.565 tỷ đồng vào ngân hàng (trong khi cùng kỳ năm 2021 là 726 tỷ đồng/ngày).
Tính đến cuối quý III, tổng tài sản Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) tăng 6% so với đầu năm, lên mức 561,113 tỷ đồng. Đáng chú ý, tiền gửi tại NHNN giảm mạnh 77%, chỉ còn 7.285 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác lại tăng 37% đạt 60.017 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 11% đạt 402.250 tỷ đồng…
Tỷ lệ nợ xấu quý III/2022 của ACB vẫn được đảm bảo ở mức 1%. Danh mục tín dụng tập trung chủ yếu vào mảng bán lẻ với tỷ lệ lên đến 94%. Có tới 98% các khoản vay đều có tài sản đảm bảo và tỷ lệ LTV (cho vay trên giá trị) bình quân danh mục liên tục duy trì trên 52%.
Tính đến hết quý III/2022, tỷ lệ an toàn vốn và tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 riêng lẻ của ACB đạt 12% và 12,5%, vượt xa yêu cầu tối thiểu 8% của NHNN.
9 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ACB đạt hơn 13.500 tỷ đồng, hoàn thành hơn 90% kế hoạch năm.
Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng trưởng như lãi từ dịch vụ tăng 21% đạt 2.599 tỷ đồng, lãi từ hoạt động khác gấp 12 lần đạt 849 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 14% (còn 544 tỷ đồng), lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 87% (còn 23 tỷ đồng). Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh báo lỗ gần 278 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 389 tỷ đồng.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thương Tín (Vietbank- VBB) trong tuần qua đã công bố lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đạt 536 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến hết quý III/2022, tổng tài sản của ngân hàng này đạt 109.207 tỷ đồng, tăng 5,6% so với đầu năm; cấu trúc danh mục tài sản tiếp tục được cơ cấu theo hướng gia tăng tỷ trọng tài sản có sinh lời.
Cụ thể, tính đến ngày 30/09/2022, Vietbank có tổng huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 70.137 tỷ đồng, tăng 5,1% so với đầu năm.
Ngân hàng tái cơ cấu danh mục tín dụng theo hướng thận trọng, cho vay khách hàng đạt 57.415 tỷ đồng, tăng 13,6% so với đầu năm.
Tổng thu nhập hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 1.740 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu dịch vụ thuần đạt gần 82 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.
Số lượng khách hàng trên toàn hệ thống tính đến ngày 30/09/2022 đạt gần 450.000 khách hàng, tăng 10% so với đầu năm.
VPBank trong tuân qua đã công bố báo cáo tài chính quý III/2022. Theo đó, thu nhập lãi thuần của ngân hàng trong quý III đạt hơn 10.384 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2021.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng gấp 2,2 lần, đạt hơn 1.769 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh đạt hơn 81 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 11 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư giảm lãi 99% so với cùng kỳ, đạt vỏn vẹn hơn 10,8 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ hơn 28,5 tỷ đồng, mức lỗ cùng kỳ là hơn 9,6 tỷ đồng.
Các chi phí trong quý III đều ghi nhận gia tăng so với quý III/2021, trong đó chi phí hoạt động tăng 44%, chi phí dự phòng rủi ro tăng 9%, lần lượt đạt hơn 3.536 tỷ đồng và hơn 5.422 tỷ đồng.
VPBank báo lãi trước thuế quý III đạt 4.514 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021.
Lũy kế 9 tháng, thu nhập lãi thuần và lãi thuần từ hoạt động dịch vụ lần lượt tăng 9% và 59%, tương ứng đạt 30.738 tỷ đồng và 4.556 tỷ đồng.
Thành Trung
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Ngọc Hân