Tại kỳ họp Chính phủ tháng 10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết giải ngân vốn đầu tư công tháng 10 tiếp tục có chuyển biến với 44.626 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với mức trung bình giải ngân bình quân 9 tháng khoảng 28.127 tỷ đồng/tháng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng giải ngân vẫn chưa đạt yêu cầu do nhiều nguyên nhân liên quan đến giải phóng mặt bằng; lập kế hoạch vốn chưa sát khả năng giải ngân. Mặt khác, năng lực nhà thầu, ban quản lý dự án còn hạn chế; quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư công còn nhiều bất cập...
Tính từ đầu năm đến ngày 31/10, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đạt 51,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nếu không tính 38.155 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tỷ lệ giải ngân đến hết ngày 31/10 ước đạt 54,95% kế hoạch.
Trong đó, số tuyệt đối giải ngân năm 2022 khoảng 298.000 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021 (tương đương 40.387 tỷ đồng).
Bộ trưởng KH&ĐT cho biết thêm tính đến ngày 28/10, tổng số vốn ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã giao là 549.081 tỷ đồng, đạt 94,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Số vốn ngân sách nhà nước còn lại chưa phân bổ khoảng 30.965,2 tỷ đồng (bằng 5,3% kế hoạch; chủ yếu là vốn cân đối ngân sách địa phương, 5/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch).
“Nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 rất nặng nề, chỉ còn hơn 3 tháng trong khi khối lượng giải ngân còn lại của năm là rất lớn, khoảng 49% kế hoạch”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương đã nêu nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm, theo TTXVN.
Trong đó, Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải đôn đốc các chủ đầu tư cũng như các ban quản lý dự án, đặc biệt các nhà thầu thực hiện để có khối lượng giải ngân.
Đồng thời, chuẩn bị các thủ tục hành chính kịp thời giải ngân vốn đầu tư công, tránh tình trạng dồn dập giải ngân vào thời điểm cuối tháng 12 hoặc cuối tháng 1/2023.
Cùng với đó, kế hoạch ngân sách và đầu tư công đã trình Quốc hội với lượng vốn năm 2023 cao hơn năm 2022 hơn 100.000 tỷ đồng nên áp lực giải ngân của năm 2023 rất lớn.
“Cần chuẩn bị từ sớm, từ xa để bước sang năm 2023 có thể thực hiện được ngay và đây là điều tốt nhất để giảm nhẹ gánh nặng cũng như sức ép vào thời điểm cuối năm”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Ngọc Hân